NHÀ ĐẤT HOT

Thăm nhà Tổng thống Obama

Thời thơ ấu, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng có 4 năm sinh sống và học tập ở một khu phố nhỏ tại thủ đô Jakarta – Indonesia. 40 năm sau, cuộc sống bình lặng nơi đây đã có nhiều thay đổi

Menteng Dalam cũng giống như mọi khu phố bình thường khác ở thủ đô Jakarta cho đến khi cả thế giới ngỡ ngàng khi biết tổng tống thứ 44 của nước Mỹ Barack Obama từng trải qua thời thơ ấu ở đây. Nhân dịp tác nghiệp tại SEA Games 2011, chúng tôi quyết định ghé thăm nơi sinh sống và học tập của Tổng thống Obama trong những năm từ 1967-1971.

Quyết giữ “căn nhà lịch sử”

Cách sân Gelora Bung Karno khoảng 20 phút đi taxi, khu phố Menteng Dalam hiện ra trước mặt chúng tôi khá yên bình. Những dãy nhà trệt nằm san sát nhau, xen lẫn là những con hẻm trải nhựa khá tươm tất. Theo quan sát của chúng tôi, cuộc sống của người dân ở đây thuộc loại trung bình khá, nhiều nhà còn có ô tô riêng.

Khi chúng tôi vẫn đang loay hoay không biết làm cách nào để tìm được ngôi nhà mà 40 năm trước, tổng thống Mỹ từng sinh sống thì cụ Hajid, một người dân địa phương, đi ngang qua. Thấy chúng tôi tay xách nách mang máy ảnh, cụ liền dừng lại bắt chuyện và hỏi chúng tôi có phải đang tìm nhà của ông Obama không.

Theo cụ Hajid, từ ngày biết Menteng Dalam là nơi Tổng thống Obama cư ngụ thời thơ ấu, tuần nào nơi đây cũng có du khách nước ngoài, báo chí quốc tế đến tìm hiểu và chụp ảnh. Hầu như người dân nào ở đây cũng đều biết “nhà tổng thống Mỹ” và luôn sẵn lòng chỉ đường. Đặc biệt, người dân Menteng Dalam tuyệt đối không nhận tiền “boa” sau khi đã nhiệt tình dẫn đường, chỉ nhà ông Obama cho du khách. “Từ ngày cả thế giới biết ông Obama từng ở đây, người dân Menteng Dalam rất hãnh diện nên cùng nhau cố gắng giữ gìn nét đẹp thanh bình của quê hương trong mắt bạn bè quốc tế” - cụ Hajid giải thích.


Nơi ở cũ tại Indonesia của Tổng thống Obama. Ảnh: QUANG LIÊM

Cụ Hajid dẫn chúng tôi đến trước một con hẻm rộng chừng 3 m, chỉ vào một căn nhà nằm phía trong có cửa sắt màu đen, trên bảng ghi số 16 đường K.H.Ramlitengah, rồi tự hào: “Đó là nhà của cậu bé Barry Soetoro ngày xưa, người đang đứng đầu nước Mỹ”. Căn nhà khá rộng, không lầu, phía trước có sân để ô tô và một bể nuôi cá. Chính nơi đây, mẹ ông Obama đã kết hôn với người chồng thứ hai là một người gốc Indonesia trước khi đón ông từ Hawaii sang sống chung. Khi Obama sang, cha dượng đặt tên cho ông theo tiếng Indo là Barry Soetoro.

Thấy chúng tôi chụp ảnh, gia đình người hàng xóm ra chào rồi cho biết hiện không có ai ở căn nhà này nên không thể mở cửa để khách vào tham quan. Theo người hàng xóm, gia đình ông sống ở đây từ lâu nên biết rõ căn nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc so với thời ông Obama và mẹ đến ở. Chủ sở hữu căn nhà cũ của ông Obama hiện không ở đây, thỉnh thoảng chỉ đến sửa sang, sơn phết lại nội thất rồi lại khóa cửa đi. Từ khi biết căn nhà của mình từng là nơi tổng thống Mỹ cư ngụ, chủ nhà rất hãnh diện và tuyên bố không bao giờ bán “căn nhà lịch sử” này.

Sáu tháng mới hòa nhập

Rời nhà 16 đường K.H.Ramlitengah, chúng tôi đi thêm khoảng 200 m theo chỉ dẫn của cụ Hajid để đến trường dòng Santo Fransiskus Asisi, nơi Tổng thống Obama từng theo học những năm 1967-1971. Trái với tưởng tượng của chúng tôi về một ngôi trường trang nghiêm, hoành tráng theo kiểu “trường của tổng thống Mỹ”, Asisi khá náo nhiệt với nhiều hoạt động đang diễn ra. Ngoài sân bóng rổ, một nhóm học sinh trung học đang tranh tài quyết liệt, trong khi ở hội trường diễn ra một chương trình giao lưu. Thấy chúng tôi, một số thầy cô trẻ vui vẻ mời vào giao lưu cùng các học sinh nhí.

Theo lời thầy hiệu trưởng Yustina Amirah, kiến trúc ngôi trường không thay đổi mà chỉ cơi nới rộng thêm so với khi Tổng thống Obama đến học. Ông cho biết theo lời kể của người bạn thân Bandung Winardijanto, cháu nội của cô Karim - vốn làm hiệu trưởng thời kỳ ông Obama học, những năm mà Barry Soetoro ở đây, sỉ số của trường chỉ khoảng 150 học sinh (hiện nay là 3.000).


Trong phòng này ở trường Asisi, ông Obama từng theo học

Ban đầu, do mới chuyển từ Mỹ sang nên ông Obama không nghe được tiếng địa phương. Phải mất gần 6 tháng nhờ cha dượng chỉ dạy, ông mới hòa nhập được với những bạn bè bản địa. Trong thời gian theo học, những ấn tượng mà ông Obama để lại không thực sự đặc biệt ngoài việc thuận tay trái, mê thả diều cùng bạn bè và suốt ngày nói với mấy người bạn thân là ông mơ ước… được làm tổng thống!

Dạo một vòng quanh ngôi trường được báo chí quốc tế cho rằng có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, tư tưởng của Tổng thống Obama, chúng tôi thấy rất nhiều áp phích, băng rôn đăng những câu nói ấn tượng, những hình ảnh thời thơ ấu của ông. Hiệu trưởng Amirah cho biết kể từ lúc biết ông Obama theo học ở đây, sinh hoạt của trường và những người dân xung quanh cũng dần dà đổi khác. Người bản địa, du khách quốc tế, báo đài từ khắp nơi nườm nượp đổ về. Dù vậy, các thầy cô ở trường vẫn cố gắng giữ nguyên hiện trạng của những lớp học cũ như “một phần lịch sử” để nhắc nhở các học trò rằng, nơi đây đã từng có một cậu bé đã biến giấc mơ làm tổng thống tưởng như viển vông trở thành hiện thực.

Lúc nào cũng cười!

Theo hồ sơ lưu ở Trường Asisi, Barry Soetoro nhập học lớp 1 vào ngày 1-1-1968, đến giữa năm lớp 3 thì chuyển về Trường Besuki.

Chỉ vào tấm ảnh chụp cả lớp ở Trường Besuki có cậu học trò Obama, một người bạn cũ tên Rully nhớ lại: “Lần đầu tiên Barry vào lớp, chúng tôi tự hỏi người gì mà tóc quăn tít, khuôn mặt bầu bĩnh và cao quá khổ. Cậu ta trông có vẻ thú vị, lúc nào cũng mỉm cười”!

Theo Người lao động

Tin cùng chuyên mục