NHÀ ĐẤT HOT

Biến ảo nghệ thuật vườn trong nhà

Cuộc sống đô thị ồn ã và mệt mỏi khiến con người ta thèm cái cảm giác của thiên nhiên, thư thái và tĩnh lặng. Nếu như "chơi" vườn đã trở thành một môn nghệ thuật từ rất lâu của Nhật Bản thì nay ở Việt Nam, nhiều người đã dần "cảm" và bị hút theo thứ nghệ thuật của vườn.

Nghệ nhân Trần Đồng bên "tác phẩm" nghệ thuật vườn nhà.

Ở Việt Nam chúng ta chưa bắt gặp giới "sùng" vườn đến mức, cùng ngồi xếp hàng im lặng để "thưởng thức vườn” như thể đang ngồi trong nhà hát để thưởng nhạc, ngắm một bức tranh hay chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đâu đó đã có những người có thể hiểu, say và cảm được cái thú của nghệ thuật chơi vườn.





Vườn trong nhà đang chiếm được cảm tình của nhiều người Việt.

Hồi sinh từ "góc chết"

"Sau một ngày làm việc mệt mỏi, cơ bắp, đầu óc đều oải ra mọi người trở về với bốn bức tường của căn nhà mình... Trong mệt mỏi của bốn bức tường họ mơ ước về một vùng quê, một cánh đồng, ước một dòng sông, thậm chí một tích tắc vút lên như cánh diều thanh thản giữa thinh không lộng gió... Cũng từ những điều ước đơn giản như vậy, tôi cảm thấy và nhận bắt được cái vĩnh hằng trong màu xanh của cây lá, cả mùi ngai ngái của vườn sau cơn mưa, rồi những nụm đất giun đùn bên gốc  bưởi hay bất chợt một chú ễnh ương đang vắt vẻo trên cành tặc lưỡi... Chính từ những cái "cảm" quê ở giữa phố ấy, vườn trong phố ra đời"... Lời tâm sự đầy tâm huyết trên của nghệ nhân Trần Văn Đồng khi nói về nghệ thuật đưa vườn vào nhà khiến chúng tôi không khỏi hứng thú.

Phong cách nghệ thuật "vườn trong nhà" khá đặc sắc hiện mới manh nha tại Việt Nam. Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội, dù xuất hiện không lâu nhưng phong cách này thực sự "hút hồn" được khách hàng, nhất là những gia chủ muốn thể hiện sự phá cách trong thiết kế của ngôi nhà.

Nghệ nhân Trần Đồng cho biết, công việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Có thể coi nó là một môn nghệ thuật bởi người thực hiện dẫu không phải một nghệ sĩ thực thụ thì chí ít cũng phải am hiểu tường tận về kiến trúc, thiết kế, phong thủy... Đưa vườn vào nhà không chỉ đơn giản là trồng cây xanh trong nhà như nhiều người thường nghĩ, còn có thể đưa núi, dòng sông, tiểu cảnh, thậm chí cả con thác vào trong ngôi nhà của mình... Vườn nhà cũng không chỉ xuất hiện trong những khu resort, biệt thự sang trọng hay chung cư cao cấp,... mà bất kỳ ngôi nhà nào, với mọi diện tích đều có thể biến những "góc chết" thành những khu vườn đầy sự sống theo ý thích của gia chủ.

Xu hướng hiện nay là chơi vườn Nhật (còn gọi là vườn khô). Mặc dù vườn khô không chứa đựng cây cối, cỏ hoa và nước, nhưng vẫn được thiết kế nhằm tái hiện những dãy núi và cảnh quan tự nhiên khác của Nhật Bản. Cát hay đá nhỏ được cào theo những quy cách đặc biệt, nên mặc dù không có nước nhưng người xem có thể hình dung ra những cơn sóng đang trào lên hết lớp này đến lớp khác. Một tảng đá lớn hay mô đất cao làm cho người ta liên tưởng đến ngọn núi hay hòn đảo... Vườn khô ngày nay có thể bao gồm những nguyên liệu sống như cây cối và hoa cỏ, nhưng với số lượng có hạn và được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Trần Đồng, người chơi vườn Nhật phải thực sự là một người có "đẳng cấp" không phải về tiền bạc hay quyền lực mà là người có am hiểu sâu sắc, thực sự đam mê, phải hòa mình vào không gian đó mới có thể cảm nhận được ý tưởng.

Ở Việt Nam hiện nay, vườn khô người ta thường coi đó là những kiểu “chơi” vườn sử dụng trong những căn hộ không thuận tiện ánh sáng, khí trời, nó chỉ thoả nhãn cho những người đơn giản và cuộc sống không cầu kỳ. Ngoài vườn khô còn có các kiểu "chơi" vườn thác, vườn âu, vườn Việt.

Vườn thác có thể tồn tại ngoài trời, trong nhà, bắt đầu từ tầng cao và kết thúc ở tầng trệt, nó tạo cảm giác miên man trong sự nghỉ ngơi giống như bạn đang ở nơi góc phố, bìa rừng nào đó xa hẳn chốn phồn hoa đô thị. Vườn âu là một bức tranh rực rỡ đầy màu sắc, những vạt hoa màu cam đậm bên luống tường vi rực nắng. Xa xa bóng những cây tùng đổ xuống, thấp thoáng bộ bàn nước ngoài trời màu mảnh mai với chiếc xích đu nép bên rặng liễu ven hô... Còn đặc trưng của vườn Việt lại mang màu sắc rất riêng. ở đó không thể thiếu những dây trầu, cây cau, lu nước, gáo dừa, dại khoai, khóm nhài và cả gùi đẫy, cày bừa, liềm hái... gợi lên khung cảnh ruộng vườn, đồng quê nước Việt...

Thú chơi không dành  cho "trọc phú"

Nghệ nhân Trần Đồng dẫn chúng tôi tới thăm khu vườn ngự trong căn hộ chót vót trên tầng 15 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của chủ một doanh nghiệp có tiếng trong ngành xây dựng. Được biết, vì yêu thích, đam mê màu xanh cây lá nên chủ nhân đã "tậu" cho mình một không gian vườn đúng nghĩa, dù chỉ vẻn vẹn 30m2. Mỗi ngày anh dành 30 phút để chăm sóc, thưởng thức và thư giãn bên mảnh vườn của mình. Anh chăm chút tỉ mỉ đến mức mỗi cái cây trong vườn có nảy thêm một cành lộc mới anh cũng biết.

Anh Hùng - doanh nhân tại TP. Thái Nguyên, một người đam mê vườn từng đi rất nhiều nơi trên đất nước đã tự hào khoe rằng: "Tôi thấy chưa đâu có vườn đẹp như vườn của tôi". Anh Hùng cho biết, để có một khoảng không gian vườn độc nhất vô nhị này anh đã đầu tư tới hơn 500 triệu đồng.

Theo nghệ nhân Trần Đồng, cách gọi vườn trong nhà không đơn thuần chỉ là vườn được thiết kế bên trong ngôi nhà như gầm cầu thang, ban công hay sân thượng... Có thể được gọi tên theo vị trí gồm vườn nội thất và ngoại thất, hoặc theo phong cách như vườn treo, vườn cổ tích, vườn âu, vườn Nhật, vườn Việt, vườn Trung Hoa… Trong những loại vườn đó, thì vườn Nhật (còn gọi là vườn khô) được đánh giá là đỉnh cao về phong cách nghệ thuật bởi những ý tưởng lớn của chủ nghĩa tượng trưng ẩn sâu bên trong.

Nghệ nhân Trần Đồng bật mí, "chơi" vườn là một nghệ thuật khá kén chủ nhân. Không phải cứ người nào có tiền, bỏ tiền ra thuê người làm vườn tạo cho mình một khu vườn ưng ý là được. Người làm vườn cũng phải là bàn tay của dân chuyên nghiệp, có sự hiểu biết và những kiến thức nhất định trong lĩnh vực này. Đành rằng dù chỉ là sự bài trí tưởng như đơn giản với những cây đèn đá, vài vạt sỏi, một vũng nước bên thềm đợi bóng nắng xiên cuối ngày... nhưng tất cả phải bắt đầu từ  sự say mê và hiểu biết nhất định.

Điều quan trọng nhất của một mảnh vườn đẹp đó là yếu tố quy hoạch. Nhưng cái đẹp của vườn không chỉ ở màu sắc, hình khối, bố cục đậm tính thẩm mỹ, giá trị của vườn còn phải có trong phong thủy. Nghệ nhân cho rằng, mỗi con người sinh ra đều có mệnh mạng rõ ràng, trong bốn phương tám hướng có hướng xấu hướng tốt. Đương nhiên những hướng tốt, có lợi phải khai thông kích khí và những hướng không tốt phải triệt bằng những biện pháp được ứng dụng trong sân vườn. Đấy là sự hữu dụng của đá và nước (hai yếu tố quan trọng trong phong thuỷ).

Nhiều nghệ nhân làm vườn cho biết, có những khách hàng chưa hiểu được "chơi" vườn là cả một nghệ thuật. Họ đi nước ngoài thấy một pho tượng nữ hoàng Cleopatra đẹp nên "rinh" về đặt trong không gian vườn. Hay chủ nhà thấy cái miệng giếng cổ Hà Lan là lạ quyết tậu về và đặt trong vườn, trong khi khu vườn của họ thuộc loại vườn Việt hoặc vườn Trung Hoa. Điều đó sẽ phá hỏng khu vườn giống như người chơi nhạc bỗng dưng chơi sai khi thêm vào một "nốt nhạc lạc" vậy. Cũng có những người làm vườn trong nhà chỉ là để thể hiện sự giàu sang hay cho bằng bạn bằng bè và làm xong thì không ngó ngàng chăm sóc, cây cối có héo chết cũng không hay. Những chủ nhân kiểu vườn trọc phú như vậy rất lãng phí và không thể xếp vào đối tượng "chơi" theo đúng nghĩa.                                  

ANH ĐỨC (Theo DSPL)

Tin cùng chuyên mục