NHÀ ĐẤT HOT

Trực tuyến: Tìm vốn cho bất động sản thời ‘bĩ cực’

14h ngày 12/7, đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và chuyên gia ngân hàng sẽ tham gia bàn tròn trực tuyến với VEF.VN, báo VietNamNet, về chủ đề tìm nguồn vốn cho bất động sản trong thời kỳ siết tín dụng và kinh tế khó khăn.

Bộ Xây dựng mới có những đề xuất về tín dụng cho thị trường bất động sản. Mặc dù cả bên đề xuất là Bộ Xây dựng và cơ quan điều hành tiền tệ đều khẳng định không có chuyện tăng tín dụng cho bất động sản hay nới lỏng tiền tệ đi ngược với chủ trương của Chính phủ nhưng động thái này đã mang lại nhiều hy vọng cho BĐS trong cơn bĩ cực hiện nay.

Từ đầu năm 2011, dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, BĐS cùng chứng khoán bị tác động nhiều nhất. Được xếp vào nhóm phi sản xuất, vốn cho BĐS không những bị hạn chế theo chính sách chung mà còn bị giảm đi theo yêu cầu giảm tín dụng phi sản xuất. Bên cạnh đó, những chính sách cắt giảm đầu tư, hạn chế chi tiêu, sự tăng giá của đầu vào cộng với sự mất giá đồng tiền, khó khăn của người tiêu dùng đã khiến cho BĐS rơi vào tình trạng khó khăn với biểu hiện dễ thấy nhất là định trệ xây dựng và ế ẩm trong bán hàng, giá cả có dấu hiệu giảm sút...

Các DN BĐS Việt Nam vốn nhỏ yếu về năng lực, quen với kiểu làm ăn "lấy mỡ nó rán nó" theo chiêu thức bán nhà trên giây, vượt rào quy định để huy động vốn từ nhiều nguồn và dựa vào tín dụng ngân hàng từng sống ổn và kiếm lãi nhiều trước đây thì nay đang lung lay và đứng trước nhiều nguy cơ khi dòng tiền từ nhiều phía đều bị suy giảm.

Trong những khẳng định mới đây, Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và những quan điểm đối với BĐS chưa có nhiều thay đổi mang lại một viễn cảnh khó khăn còn kéo dài. Đối mặt với thiếu vốn đầu vào, khó khăn đầu ra... nhiều DN BĐS đang rơi vào thế chết dần trên đống tài sản được định giá cả ngàn tỷ đồng.

Hết vốn, thiếu tiền... đang là hiểm họa lớn nhất đối với BĐS chính vì thế, các DN đã tìm mọi cách để vận động hòng thoát chết mà mục tiêu duy nhất là tìm kiếm nguồn vốn. Vì thế, trong khi Bộ Xây dựng đang có những đề xuất để xoay xở tín dụng cho DN BĐS đang được kỳ vọng thì các DN cũng muốn tìm cách yểm trợ để khơi thông dòng vốn từ ngân hàng bằng cách chứng minh BĐS không hẳn là phi tín dụng. Người ta đang nói nhiều về tầm quan trọng của BĐS và những tác động của nó đối với sản xuất và nền kinh tế với mong muốn thay đổi qua điểm để lách qua khe cửa các quy định hiện nay nhằm vay vốn dễ hơn.

Bên cạnh nhưng vận động chính sách, các DN cũng tự vận động để tìm kiếm các nguồn vốn cho mình thông qua nhiều kênh như huy dộng vốn tự có, vốn các nhà đầu tư, tái phiếu, gọi vốn nước ngoài... thậm chí những hình thức mới như quỹ tín thác cũng đã được đề cập đến...

Tất cả đều đang vận động và đang hy vọng để hướng tới điều duy nhất: kiếm tiền về để cấp cứu DN và nuôi sống thị trường qua thời gian khó. Vốn từ đâu, làm sao để có vốn, bài học nào từ tình huống hiện nay và sẽ phải có những thay đổi nào trong huy động vốn cho BĐS... Những chiến lược tài chính nào cho BĐS Việt Nam trong tương lại... đó là những vấn đề sẽ được đề cập đến trong giao lưu trực tuyến trên VNNN về tài chính cho BĐS...

14h ngày 12/7, ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)), ông Nguyễn Văn Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN và ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN sẽ tham gia bàn tròn trực tuyến về tín dụng cho thị trường BĐS.

Ngay từ lúc này, độc giả có thể gửi câu hỏi cho các vị khách mời về địa chỉ vef@vietnamnet.vn.

(Theo VNN)

Tin cùng chuyên mục