NHÀ ĐẤT HOT

Phòng chống những giao dịch BĐS “đáng ngờ”

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng như tài chính, việc ban hành Thông tư chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS thời điểm này là rất cần thiết, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về chống rửa tiền ở tất cả các lĩnh vực.

Bộ Xây dựng vừa chính thức công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Theo các chuyên gia, hiện nay giá BĐS vẫn còn chênh lệch cao so với thu nhập của đa số người dân, đối tượng thao túng thị trường là một bộ phận những người đầu cơ, trong đó không ngoại trừ cả những đối tượng làm ăn phi pháp. Chính vì vậy việc ban hành Thông tư rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Thông tư xác định rõ các dấu hiệu nhận biết mua bán BĐS rửa tiền. Cụ thể, như không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp, hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết, hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp; hồ sơ liên quan đến BĐS có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu; có sự uỷ quyền thực hiện giao dịch BĐS; một BĐS được giao dịch hai lần trở lên trong thời gian 1 tháng hoặc dự án được chuyển nhượng 2 lần trở lên trong một năm; địa chỉ của các bên giao dịch không rõ ràng và có sự thay đổi so với lần giao dịch trước; các giao dịch thực hiện không đúng quy định của Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở; BĐS không có nguồn gốc rõ ràng hoặc hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ; giao dịch BĐS thông qua những hợp đồng không đúng quy định cả về nội dung và hình thức hợp đồng.

Dự thảo Thông tư cũng quy định, các sàn giao dịch phải có quy chế, cơ chế kiểm soát nội bộ và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách phòng, chống rửa tiền; áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp khách hàng thiết lập mối quan hệ lần đầu với sàn giao dịch BĐS... Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo cho cục phòng, chống rửa tiền thuộc cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 tiếng. Trường hợp tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh BĐS có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt có thể từ 5 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn khi để xảy ra vi phạm...

Dự thảo Thông tư cũng quy định các sàn giao dịch BĐS có quyền đề nghị phong toả tài khoản được sử dụng vào việc thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật; không thực hiện các giao dịch trong các trường hợp: Tổ chức, cá nhân thuộc danh sách cảnh báo liên quan đến tội phạm do Bộ Công an cung cấp, các giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp và khi có lý do tin rằng giao dịch liên quan đến hoạt động phạm tội.

Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, hiện chưa có nghiên cứu, con số cụ thể về hoạt động rửa tiền trong kinh doanh BĐS, nhưng thực tế có nhiều trường hợp có biểu hiện rửa tiền BĐS với giá trị rất cao. Việc Bộ Xây dựng soạn thảo Thông tư về chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS về ý tưởng là hoàn toàn đúng.

Với sự đồng tình với những quy định của dự thảo, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS cho rằng ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng chống rửa tiền, chúng ta cần hiện đại hóa hệ thống quản lý trên nền tảng công nghệ thông tin, cần nhanh chóng xây dựng lực lượng quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ quan báo cáo, phát hiện kịp thời những sai sót để thị trường BĐS nhanh chóng được lành mạnh hóa.

Cần minh bạch hóa nguồn vốn đầu tư BĐS

 

Trong lĩnh vực BĐS còn rất nhiều việc cấp bách cần xử lý, nhất là thời điểm này. Ví dụ, việc minh bạch hóa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS. Việc này liên quan nhiều việc như: huy động vốn cho các dự án BĐS đều không minh bạch, dùng tiền của người dân nhưng không triển khai dự án, mà dùng vào việc gì khách hàng không biết, thậm chí ẵm cả tiền ra nước ngoài…


(Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)

(Theo Dothi)

Tin cùng chuyên mục